Published on

Đánh giá nhanh Dell Wyse 3040: một cái máy tính vui vẻ

Authors

Trong thời gian Tuấn tìm hiểu lại dự án homelab, mình tìm thấy một cái máy tính x86 mà giá theo đánh giá là không thể có cái rẻ hơn. Dell Wyse 3040 có giá chỉ tầm 450.000đ ở thời điểm viết bài và có thể rẻ hơn nữa nếu bạn biết deal. Cấu hình nhận được là Intel 4 core và 2GB RAM, 8GB ổ cứng, đủ để bạn sử dụng cho những ứng dụng đơn giản đến cả phức tạp.

Một số ý tưởng homelab mà bạn có thể dùng Wyse 3040 mà mình đã thử:

  • Cài đặt Docker và chạy những container bạn thích
  • Làm server VPN (WireGuard/Tailscale chạy tốt trên máy này), jumphost server
  • Làm DNS chặn quảng cáo: Adguard, Pi-hole, Blocky đều sẽ chạy tốt trên đây
  • Cài đặt Home Assistant OS hoặc thông qua Supervisor
  • Cập nhật 09/2024: Làm một Proxmox node (chắc chắn 100%). Tuy nhiên bạn sẽ phải chỉnh sửa một chút 🔗 ở bước cài đặt mới có thể cài lên bộ nhớ eMMC. Bộ nhớ trống là 2GB, tất nhiên mình chỉ dùng nó cho tính năng HA như là một quorum device thôi.

true
Hai cái Dell Wyse 3040 mà Tuấn mua, một cái chỉ dùng để chạy Tailscale làm subnet advertiser và SSH jumphost, một cái còn lại dùng làm Home Assistant.

Cấu hình

Theo Tuấn đánh giá, cấu hình này là vừa đủ cho một số nhu cầu homelab đơn giản của các bạn:

  • Intel Atom x5-Z8350 @ 1.44GHz (4 core) CPU PassMark 🔗
  • 2GB RAM DDR3L (không thể upgrade)
  • 8GB eMMC (không thể upgrade)
  • 1x USB 3.0, 3x USB 2.0
  • 1x cổng RJ45 Gigabit
  • 1x cổng audio 3.5mm
  • 2x cổng DP xuất hình

Quan trọng là kích thước: dài/rộng ~10cm, cao ~2.7cm, có thể dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay của bạn. Ngoài ra, cục nguồn theo máy rất gọn gàng và nguồn điện mà máy yêu cầu cũng đơn giản, 5V 3A hoặc 12V 2A.

Một số tính năng khác như Wake-on-LAN hay tự động mở máy sau khi cúp điện đều có đầy đủ trong BIOS.

Cài đặt OS / Ứng dụng

Đầu tiên, bạn nên lưu ý là máy chỉ có 8GB ổ cứng nên cài đặt Windows là điều không thể. Kể cả Ubuntu Desktop, Alma Linux (Desktop) đều không nên cài đặt lên, vì cài đặt xong cũng còn quá ít bộ nhớ trống để sử dụng.

Các OS mình đã cài đặt thử và hoạt động bình thường:

  • Alpine Linux: dư 4GB sau khi cài đặt
  • Ubuntu Server/Home Assistant OS: dư 2GB sau khi cài đặt

true

Quá trình cài đặt OS không khác biệt gì so với các máy tính thông thường. Bạn cắm USB boot lên, vào BIOS cài đặt boot từ USB nếu chưa bật. Vậy là xong rồi, các bước còn lại sẽ y hệt với việc bạn cài đặt máy tính thông thường.

Về phần phần mềm, mình không gặp quá nhiều khó khăn khi sử dụng. Tất cả các phần mềm mình cần, bao gồm HAOS đều sử dụng bình thường trên Wyse 3040, có chăng là dung lượng ổ cứng sẽ khá thấp để bạn chạy được nhiều ứng dụng cùng một lúc.

Các ứng dụng mà mình đã cài đặt và đang hoạt động tốt:

  • VPN: Tailscale/Wireguard
  • Docker: có thể sử dụng các image linux/amd64 một cách bình thường
  • SNMP
  • SSH port forwarding, TTY

Như mình đã nói, đây là một máy x86 nên cài đặt phần mềm là dễ dàng, tuy nhiên nhược điểm rất lớn là ổ cứng và RAM thấp, không thể nâng cấp được. Các bạn nên lưu ý kĩ trước khi tiến hành mua.

So sánh và kết luận

Tất nhiên, đối thủ chính để so sánh với Dell Wyse 3040 chính là những bộ mạch Raspberry, Orange Pi đang bán trên thị trường.

Về giá: theo mình chi phí cho Wyse 3040 rẻ hơn kha khá vì đã bao gồm nguồn. Trong khi đối với các mạch SMB, các bạn sẽ phải đầu tư thêm thẻ nhớ vì giá thẻ nhớ tốt thì không rẻ. Hơn nữa để bảo vệ cho tốt thì phải mua thêm vỏ cho mạch. Tuy nhiên, nếu xét công bằng thì chi phí cho SMB cũ thì cũng sẽ tương đương với cái Wyse này 😁.

Về nâng cấp: SMB ăn chặt ở điểm này. Với Wyse, bạn mua về và dùng, không thể nâng cấp thêm bất cứ thứ gì. Bỏ đi thì được, mình gỡ cái loa kêu tít tít trong máy rồi. Còn SMB là một bầu trời để nâng cấp, từ dung lượng thẻ nhớ cho đến các board mạch thêm, các cổng I/O cho các dự án mà bạn cần.

Về cấu hình: mình có xét trên trang CPU PassMark 🔗 thì điểm số của CPU same same nhau. Nhiệt độ hoạt động của Wyse là ấm cho đến nóng, không quá mát nên các bạn lưu ý không xếp chồng các máy lên nhau nếu dùng nhiều. Điểm cộng của các SMB là cấu hình khá mới, có thể có các tập lệnh encode/decode video hay hardware encoding/decoding/offloading trong trường hợp bạn cần dùng đến.

Kết luận của mình là nếu bạn mong muốn chi phí một máy tính là rẻ nhất, chấp nhận được việc chỉ có 8GB dung lượng ổ cứng khoảng 2-4GB dung lượng ổ cứng còn trống thì Wyse 3040 là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Nếu bạn cần khả năng mở rộng, nâng cấp hay xử lý các tác vụ nặng, hãy cân nhắc đến các lựa chọn như Raspberry, hay các máy tính bộ mini cấu hình cao hơn với nhiều lựa chọn nâng cấp hơn.

Tuấn thì đang dùng 2 con Wyse này cho các dự án cá nhân. Và cách mình chọn là mỗi máy sẽ chỉ cài đặt/xử lý một nhiệm vụ duy nhất, nếu cần thêm cho các dự án (homelab) khác, mình sẽ mua thêm và cài đặt mới. Còn các bạn thì sao, hãy cho Tuấn cảm nghĩ nhé.

Thông tin thêm