Published on

Trải nghiệm VPS tốc độ 1 Gbps của Bizfly: Thật sự là Gigabit

Authors

Lần đầu tiên chúng ta có một nhà cung cấp VPS Việt Nam với tốc độ Gigabit với mức giá rất bình dân, thanh toán theo giờ và nhiều tính năng khác.

Tiếp tục là một màn giới thiệu tính năng khá kín tiếng đến từ đội Bizfly khi chúng ta có thêm một tùy chọn mạng cho cloud server tốc độ lên tới 1 Gbps mà giá cả lại không đổi. Đây là lần đầu tiên mà mình được sử dụng server với tốc độ Gigabit của một nhà cung cấp tại Việt Nam, vậy là lao vào đánh giá thôi.

Hình ảnh trong bài đều ở kích thước gốc, bạn có thể click vào để zoom dễ xem hơn.


Cập nhật tháng 9/2021

Hiện tại tùy chọn Miễn phí băng thông (1 Gbps) đã không còn hỗ trợ với loại máy chủ Basic nữa, có nghĩa là giá server rẻ nhất mà bạn có thể dùng với tốc độ 1 Gbps là 250.712đ/tháng (Premium) đã bao gồm VAT. Xin thông tin đến bạn đọc.

Đây là một thay đổi rất đáng tiếc đối với mình, người chỉ có nhu cầu sử dụng gói Basic. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, mình chưa bao giờ dùng đến mức băng thông 100 Mbps nên cũng không quá quan trọng vấn đề này. Đối với những người sử dụng chuyên nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chi phí khoảng 250.000đ một tháng cũng không phải là quá cao ;)


Giới thiệu về gói Gigabit của BizflyCloud

Bạn sẽ có 2 tùy chọn Miễn phí data transferMiễn phí băng thông để lựa chọn từ lúc tạo server và sẽ không thể thay đổi sau này. Giá của hai tùy chọn này cũng như nhau.

Tùy chọn đầu tiên rất phổ biến như các đường truyền mạng của gia đình hay các nhà cung cấp máy chủ ảo ở Việt Nam: chúng ta sẽ có một VPS tốc độ mạng 100Mbps dùng thoải mái mà không bận tâm gì đến các mức giới hạn khác.

true

Tùy chọn Miễn phí băng thông lại rất phổ biến ở các nhà cung cấp nước ngoài: chúng ta sẽ có đường mạng tốc độ 1 Gbps, tức là gấp 10 lần so truyền thống, bù lại chúng ta sẽ bị giới hạn về data transfer, nếu dùng vượt quá dung lượng sẽ phải trả tiền.

Hai tùy chọn này ở Bizfly hoàn toàn không có khác biệt về giá cả, vẫn y hệt như mình từng review 🔗, có chăng bạn sẽ phải trả 308 VNĐGB dùng vượt quá dung lượng miễn phí, bắt đầu từ 1 TB là tăng dần với những máy chủ cấu hình cao hơn.

Theo cảm nhận nhanh, đây là lần đầu tiên một nhà cung cấp ở Việt Nam cung cấp tùy chọn mạng gigabit với mức giá rất bình dân, thậm chí không thay đổi gì so với trước kia nếu bạn không vượt quá hạn mức cho phép. Blog của Tuấn một tháng chỉ sử dụng khoảng 100GB nên mình cũng khá quan tâm và có một số bài test cả nhanh cả kĩ lưỡng, mời bạn xem qua.

Một số lưu ý mà bạn cần biết

Dưới đây là một số lưu ý trước khi sử dụng tùy chọn Gigabit của BizflyCloud:

  1. Bizfly sẽ tính inbound (traffic vào server) hay outbound (traffic ra khỏi server) hay cả hai? Chỉ outbound. Toàn bộ traffic inbound sẽ là miễn phí.
  2. Mức dung lượng sẽ được chia sẻ đều theo mức tài khoản. Nếu bạn có hai server được miễn phí 1 TB dung lượng mỗi server, bạn có quyền sử dụng 1.5 TB ở server này và 500 GB ở server kia và vẫn được miễn phí vì nằm trong mức cho phép.
  3. Dung lượng sẽ được cập nhật theo giờ và tính tiền vào cuối tháng.
  4. Dung lượng miễn phí sẽ được cộng theo giờ. Tương tự Vultr 🔗, dung lượng sẽ được chia ra và cộng vào theo giờ. Ví dụ bạn được miễn phí 1 TB dung lượng thì chia cho 720 hoặc 672 giờ tùy tháng, bạn sẽ được cộng khoảng 1000 GB / 672 giờ = 1.48 GB/giờ.

Điều này có ý nghĩa gì? Đây là cách mà các nhà cung cấp tránh tình trạng bạn lợi dụng để sử dụng quá nhiều băng thông và dung lượng chỉ trong một thời gian ngắn rồi hủy khi đến gần hạn mức và tạo lại, lặp lại như vậy. Nếu các bạn sử dụng như một người dùng thông thường, dùng server đủ 1 tháng thì sẽ được cộng đủ mức dung lượng bạn có hoặc nói đơn giản là bạn không cần quan tâm đến.

Toàn bộ thông tin về cách tính phí đều có tại tài liệu của Bizfly, bạn nên xem qua một lần nếu có ý định sử dụng: https://docs.bizflycloud.vn/cloud_server/resources/datatransfer/ 🔗

Nào, bây giờ tới phần quan trọng, speed test thôi anh em.


Kết quả speed test nhanh

Lúc nháp bài viết này thì nó thật sự dài nhưng mình đã tóm gọn lại rồi, mọi người có thể xem các kết quả test ngắn gọn ngay bên dưới là đủ. Nếu muốn đi vào chi tiết hơn các bài test thì có thể tiếp tục nhé.

Kết quả test tocdo.io 🔗 trên Linux

Đây là kết quả của server với cấu hình Basic, HDD, 1 CPU và 1 GB RAM tại DC Hồ Chí Minh. Kết quả đều đạt tốc độ gigabit ở tất cả các server trong nước. Mình có test thử trong nhiều khoảng thời gian khác nhau và tốc độ mạng đều ổn định như vậy

Kết quả speedtest.net trên Windows

Vì tocdo.io không có trên Windows và sẵn tiện mình có một server Windows cũng đang tạo trên gói Gigabit này nên đem đi test thử và kết quả trả về là cực kì tốt, thậm chí ở khoảng thời gian đầu tốc độ tải có lúc đạt 1200 Mbps.

true


Kiểm tra tốc độ tải website thực tế

Thật ra bài viết có lẽ đã không đến đây nếu mình không thắc mắc "Vậy tốc độ tải trang web có thật sự đạt như vậy không?" và bắt tay vào tìm hiểu và kiểm thử.

Mục tiêu loadtest

Trước tiên, chúng ta phải xác định mục tiêu của loadtest lần này để không bị lạc đề và tốn thời gian cho những thứ không liên quan.

Mục tiêu của Tuấn là làm cách nào đó tối đa được mức băng thông mà Bizfly đã quảng cáo, không phải số lượng request/giây: bao nhiêu cũng được, miễn là tối đa băng thông; không phải so sánh giữa Varnish hay Nginx: không quan tâm, miễn nhanh để tối đa băng thông là được.

Kết quả càng gần mức băng thông này chứng tỏ là Bizfly đã quảng cáo chính xác và chúng ta hoàn toàn yên tâm về những gì mà họ đã cam kết.

Chuẩn bị cho loadtest

Để đơn giản (và thực sự hiệu quả) thì Tuấn vẫn chọn WordOps nhưng cấu hình một trang web tĩnh HTML, thậm chí không chạy cả HTTPS để giảm tải cho server. Cấu hình server và website cũng được thay đổi sau vài lần loadtest để phù hợp hơn và cố gắng đạt được mức Gigabit này mà mình sẽ nói bên dưới.

Thêm nữa, kinh nghiệm của mình là chúng ta phải cài đặt Zabbix để monitor toàn bộ tổng thể trạng thái của server, giúp mình biết được vấn đề nằm ở đâu, do mạng, do code, do cấu hình. Ngoài ra nếu bạn loadtest các ứng dụng PHP hay .NET thì cũng cần cài thêm các agent khác điển hình như New Relic để theo dõi sâu hơn ở mức function, transaction. Điều này rất quan trọng đó.

Thực hiện loadtest (ngoài nước)

Đầu tiên mình sử dụng ngay công cụ Loader.io 🔗 là công cụ quen thuộc và đơn giản để mình loadtest cho website. Công cụ nền web và miễn phí này giúp bạn có thể thử tải (loadtest) một cách nhanh chóng nhất mà không cần cài đặt hoặc hiểu biết quá nhiều.

Với cấu hình Basic, ổ cứng HDD với 1 CPU 1 GB RAM, máy chủ của Bizfly có thể chịu được 120568 request trong 1 phút, tương đương với 2000 request mỗi giây.

true

Băng thông tối đa mà hình chụp được từ Zabbix là vào khoảng 230 Mbps, tốt hơn mức 80 Mbps mà mình đã loadtest lần trước 🔗 rất nhiều.

true

Đây cũng là mức tương đương với tốc độ upload khi mình thực hiện speedtest với server Singapore ở trên, đồng thời Loader.io cũng trả về các lỗi timeout và network nên mình đã dừng bài loadtest trên Loader.io lại và kết luận mức băng thông tối đa của VPS sẽ phụ thuộc vào quốc gia mà bạn dùng để truy cập.

Vậy làm sao để loadtest ở Việt Nam?

Thực hiện loadtest tại Việt Nam

Vấn đề là Loader.io sử dụng máy chủ EC2 của AWS để chạy loadtest nên 2 region gần Việt Nam nhất là Singapore và Hồng Kông, vì vậy kết quả trên sẽ không thể dùng làm câu trả lời được vì không thể đại diện được người dùng trong nước. Tại Việt Nam hiện tại cũng không có dịch vụ nào hỗ trợ vấn đề này nên chúng ta chỉ có thể loadtest bằng tay và những tài nguyên chúng ta có được.

Rất may là Tuấn từng dùng Jmeter là một bộ công cụ loadtest phổ biến với cực kì nhiều các tính năng và các loại report có thể tham khảo. Ngoài ra Jmeter cũng miễn phí, không giới hạn tính năng nên bạn có thể loadtest bao lâu cũng được, bao nhiêu user cũng được, miễn là bạn có đủ tài nguyên để chạy.

Nói về đường truyền mạng, cái máy chạy 24/7 ở nhà mình 🔗 có đường truyền gộp được tổng băng thông tầm 320 Mbps, dù không xi nhê gì với đường truyền gigabit nhưng có còn hơn không.

true

Mặc dù vậy Tuấn cũng chỉ có thể đặt được mức băng thông 290 đến 300Mbps, còn cách rất xa so với kì vọng của mình. Suy nghĩ làm cách nào để chạy nhiều server loadtest cùng lúc thì mình nhận ra rằng mình đã suy nghĩ quá phức tạp. Cách đơn giản và gần ngay trước mắt: sử dụng một máy chủ khác của Bizfly làm máy loadtest.

Mình tạo ngay một server Windows cấu hình HDD, 8 CPU, 8GB RAM và đem thư mục Jmeter từ máy local của mình để chạy. Mặc dù cả hai đầu server đã sử dụng server có port mạng 1 Gbps nhưng băng thông vẫn ở mức lẹt đẹt 500 - 600Mbps mặc dù cấu hình webserver đã được nâng cấp lên 4 CPU, 4GB RAM, mình giật mình nhận ra server đang chạy website đang có bottleneck nào đó rồi.

true

Kiểm tra trong Zabbix thì thấy server chạy WordOps đang báo response time của disk đang rất cao, hơn 20ms. Đây chính xác là vấn đề do việc sử dụng ổ cứng HDD có thời gian phản hồi chậm và IOPS thấp nên không thể đọc file nhanh hơn được. Vì vậy Tuấn tiếp tục xóa server hiện tại vào khởi tạo lại với cấu hình SSD, 4 CPU và 4GB RAM và kết quả là:

930Mbps

Cuối cùng thì mình cũng đạt được mức băng thông đạt ngưỡng Gigabit. Kết quả mức băng thông loadtest tốt nhất mình đạt được là khoảng 930 Mbps, rất gần với mức mà BizflyCloud đã công bố và mình quyết định ngưng bài loadtest ở đây.

true


Đánh giá và phản hồi

Server cấu hình mạng 1 Gbps của Bizfly đã hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra của mình, đạt được tốc độ tối đa như đã cam kết. Vì vậy các bạn có thể yên tâm khi sử dụng tốc độ gigabit với một mức giá (khi vượt quá mức miễn phí) phải chăng.

Nói về mức giá, sau bài test thì mình có hỏi bạn phụ trách tài khoản Bizfly của mình một số câu hỏi về cấu hình mạng Gigabit này và mình sẽ post lên đây. Những bình luận của mình sẽ nằm trong ngoặc đơn.

1. Trong trường hợp bị tấn công và có thể vượt quá dung lượng sử dụng và bị tính thêm tiền, Bizfly có hỗ trợ gì hay không?

(Khi đặt câu hỏi này xong thì mình cảm thấy khá sai vì kể cả những nhà cung cấp lớn như AWS, GCP đều cũng không hỗ trợ trực tiếp về mặt cước phí. Với AWS, bạn phải subscribe gói AWS Shield Advanced mới có thể yêu cầu "a limited refund" sau cuộc tấn công DDoS 🔗).

Bizfly sẽ hỗ trợ bạn phòng chống DDoS theo cách phù hợp nhất để đảm bảo tối ưu chi phí nhất. (Đây cũng là cách phù hợp và hiệu quả nhất theo mình thấy hiện tại).

(Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng "mẹo" chia tải server, chạy load balancing để được cộng thêm dung lượng miễn phí).

2. Bizfly có kế hoạch chia giá tiền băng thông theo region hoặc theo bậc như Bizfly CDN không? Như vậy giá sẽ cạnh tranh hơn nhiều.

Hiện tại Bizfly chưa có chính sách chia giá theo mức sử dụng (ví dụ như sử dụng càng nhiều càng giảm như Bizfly CDN) hoặc theo region. Tuy nhiên ý kiến này sẽ được đề xuất lên cấp cao hơn để cân nhắc.


Bài viết này giúp được gì cho mình?

Sau bài viết này, mình lại lên kế hoạch di chuyển sang server mới vì băng thông cao hơn. Có chăng sự chậm trễ này là do truyền thống, Tuấn sẽ tìm một công nghệ mới để sử dụng, ví dụ chuyển sang sử dụng OpenLitespeed trong dịp chuyển server về Bizfly Hồ Chí Minh vậy. Mong rằng trong dịp lần tới, Nginx sẽ hoàn thiện HTTP/3 để trùng với dịp chuyển về server Gigabit mới luôn.

Đây cũng là dịp mà mình được sử dụng Jmeter theo một cách hoàn toàn khác. Trước kia mình chỉ sử dụng tầm 50 - 100 user để chạy và loadtest cho các dự án trong công ty chứ chưa bao giờ phải chạy mới mục tiêu là đạt 1 Gbps băng thông cả.

true

Mức học phí này là khoảng 10.000đ tiền server test và 12.000đ tiền traffic vì chỉ sử dụng trong một buổi chiều. Khá rẻ cho những kinh nghiệm và thông tin mình có được.